Mẫu powerpoint đẹp, đơn giản, chuyên nghiệp về kinh doanh, du lịch, giáo dục, y tế,... Vô số mẫu slide powerpoint đẹp miễn phí, tha hồ tải mà không mất phí!

THÔNG BÁO: Sau này mọi sản phẩm PowerPoint và bài viết mới của Trực Quan sẽ được đăng tải trên website pptrucquan.com. Mời các bạn truy cập website để tải miễn phí nhiều sản phẩm PowerPoint chất lượng cao.

Cách làm slide thuyết phục với kỹ thuật trực quan

PowerPoint là một trong những phần mềm hỗ trợ thuyết trình mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng không khai thác hết lợi ích của nó. Đó là do họ chỉ đơn thuần sử dụng slide để hiển thị văn bản chứ không dùng nó trong việc tạo ra hình ảnh trực quan để minh họa ý tưởng. Thực tế cho thấy, khán giả ngày càng cảm thấy mệt mỏi với slide thuyết trình chỉ chữ và chữ. Hầu hết họ không có đủ thời gian và sức lực để tìm hiểu về những thông tin dạng văn bản. Để tạo ra một bài thuyết trình hiệu quả, bạn cần “biến hóa” những thông tin cần truyền đạt trở thành hình ảnh đơn giản và dễ hiểu. Nói cách khác, bạn cần phải biết cách “chuyển chữ thành hình”.

Cách làm slide thuyết phục với kỹ thuật trực quan

PowerPoint là một trong những phần mềm hỗ trợ thuyết trình mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng không khai thác hết lợi ích của nó. Đó là do họ chỉ đơn thuần sử dụng slide để hiển thị văn bản chứ không dùng nó trong việc tạo ra hình ảnh trực quan để minh họa ý tưởng. Thực tế cho thấy, khán giả ngày càng cảm thấy mệt mỏi với slide thuyết trình chỉ chữ và chữ. Hầu hết họ không có đủ thời gian và sức lực để tìm hiểu về những thông tin dạng văn bản. Để tạo ra một bài thuyết trình hiệu quả, bạn cần “biến hóa” những thông tin cần truyền đạt trở thành hình ảnh đơn giản và dễ hiểu. Nói cách khác, bạn cần phải biết cách “chuyển chữ thành hình”.

Tại sao “chuyển chữ thành hình” rất hiệu quả trong thuyết trình?

Trong dân gian người ta thường hay truyền miệng nhau những câu thành ngữ rất quen thuộc có thể trả lời câu hỏi trên, đó là “Một hình bằng cả ngàn chữ” hoặc “Trăm nghe không bằng một thấy”. Những câu thành ngữ đó đề cao vai trò rất quan trọng của hình ảnh đối với nhận thức của con người. Theo lẽ đời thường, người ta luôn cho rằng chúng nói lên một chân lý không thể chối cãi. Quan sát 2 slide trong hình 1 bạn sẽ thấy rõ chân lý đó. Cả 2 slide cùng truyền tải một thông điệp về vẻ đẹp chợ nổi miền Tây nhưng cách thể hiện của slide 2 có hiệu quả hơn hẳn.

Hình 1

Trong khoa học, một lý thuyết có thể lý giải cho sự hiệu quả tuyệt vời của “chuyển chữ thành hình”, đó chính là lý thuyết mã hóa kép về hoạt động xử lý thông tin của hai bán cầu não con người. Não trái của chúng ta chuyên xử lý tốt những thông tin ở dạng câu chữ, trong khi phần việc xử lý hình ảnh được ủy thác cho não phải. Nếu bạn có thể kích thích cân bằng não trái và não phải của khán giả, họ sẽ hiểu ra vấn đề cốt lõi mà bạn đang truyền đạt rất nhanh, thậm chí chưa tới 3 giây.

Hình 2

Hình ảnh đang nhắc tới không phải là ảnh số (png, jpg, gif, …) mà bạn thường hay chèn vào slide bằng nút lệnh Insert Picture trong PowerPoint. Hình ảnh ở đây là thể hiện trực quan của nội dung thuyết trình. Và ảnh số chỉ là một trường hợp của hình ảnh. Công cụ làm bài thuyết trình như PowerPoint cho phép chúng ta dễ dàng sử dụng thể hiện trực quan để hỗ trợ cho phần văn bản và lời nói. Chữ trên slide và lời nói của bạn đã tạo nên một kênh truyền đạt dưới dạng câu văn (văn viết, văn nói) kích thích não trái của khán giả. Trong khi đó thể hiện trực quan mở ra một kênh truyền đạt hoàn toàn mới dưới dạng hình ảnh sinh động (biểu đồ, sơ đồ, bản đồ,…) kích thích não phải của khán giả. Thay vì chỉ thiên một kênh truyền đạt dưới dạng câu văn, hãy kết hợp cả hai kênh để tăng sự rõ ràng cho thông điệp của bạn. Điều đó sẽ làm cho khán giả không những nắm bắt được thông điệp cốt lõi tốt hơn mà còn ghi nhớ lâu hơn.

Bạn chèn quá nhiều chữ vào slide mà không sử dụng thể hiện trực quan để minh họa ý tưởng khiến cho não trái của khán giả bị “bội thực” trong khi não phải của họ “đói meo”. Hoặc bạn đã tăng cường đưa thể hiện trực quan vào slide nhưng vẫn không hiệu quả, đó là do bạn làm không đúng phương pháp và gây phản tác dụng, làm cho não phải không “ăn ý” với não trái.

Vậy, đâu là phương pháp tốt để bài thuyết trình của bạn kích thích cân bằng cả hai bán cầu não của khán giả?

Câu trả lời là bạn cần phải áp dụng kỹ thuật trực quan để làm bài thuyết trình. Đây là kỹ thuật ưu việt nhất trong các kỹ thuật thuyết trình và làm bài thuyết trình. Kỹ thuật trực quan là kết quả của sự nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng và khách quan của các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới. Nếu áp dụng tốt kỹ thuật này, bài thuyết trình của bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Do kỹ thuật trực quan là một công trình khoa học lớn nên không thể trình bày hết tất cả trong bài viết này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài nguyên tắc vàng trong việc áp dụng kỹ thuật trực quan và mỗi nguyên tắc đều thông qua cơ sở khoa học của nó và ví dụ minh họa.

1. TIÊU ĐỀ CỦA SLIDE KHÔNG CÒN LÀ MỘT ĐỀ MỤC NỮA, NÓ NÊN LÀ MỘT CÂU TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH CỦA SLIDE

Khi quan sát slide thuyết trình, cũng như thói quen đọc sách, khán giả của bạn sẽ đưa mắt nhìn đầu tiên vào góc trên bên trái slide và theo chiều từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Nơi góc trên bên trái slide mà khán giả nhìn vào đầu tiên ta gọi là trung tâm thị giác. Trung tâm thị giác được minh họa bằng vùng hình tròn xanh dương nhạt trên hình 3. Để khán giả nắm bắt nội dung chính ngay khi vừa nhìn vào slide, chúng ta nên đặt thông điệp cốt lõi rơi vào trung tâm thị giác này. Bạn hãy xác định nội dung chính yếu, rút gọn nó thành một câu tóm tắt súc tích, sau đó lấy câu này làm tiêu đề của slide, đặt nó vào khung tiêu đề gọn ghẽ trong 1 hoặc 2 dòng và canh trái để phần chữ rơi vào trung tâm thị giác. Xem ví dụ trên hình 3, ta thấy tiêu đề “Doanh thu tăng đều từ năm 2008” của slide 2 rơi vào trung tâm thị giác và là một câu tóm tắt nội dung chính chứ không phải là một đề mục như slide 1.

Hình 3

Nếu bạn bảo lưu sử dụng tiêu đề kiểu đề mục I, II, III, 1, 2, 3, a, b, c… như trong sách giáo khoa thì khán giả của bạn sẽ mất phương hướng ngay từ đầu, họ phải vất vả đưa mắt nhìn tứ tán để “săn lùng” nội dung chính yếu. Chưa kể nếu không “săn lùng” được gì cả họ sẽ không có được nền tảng nhận thức để tiếp thu nhanh phần diễn giải ở bên dưới đề mục. Những đề mục như thế chỉ mang tính chất phân loại nội dung chứ không có giá trị truyền đạt thông điệp. Đồng ý rằng kiểu đề mục được sử dụng phổ biến xưa nay nhưng bạn không nên quá quy cách theo truyền thống để rồi không khai thác được lợi ích của trung tâm thị giác.

Nếu bạn cần có đề mục để giúp khán giả dễ dàng theo dõi biết bài thuyết trình đang ở phần nào, mục nào thì vẫn có giải pháp cho bạn vừa đảm bảo đề mục được viết ra vừa đảm bảo thông điệp cốt lõi rơi vào trung tâm thị giác. Thủ thuật như sau, sau khi bạn đặt thông điệp cốt lõi vào khung tiêu đề và canh trái, hãy nhập tên đề mục vào một khung chữ (textbox), đặt nó ở ngay trên thông điệp cốt lõi. So với thông điệp cốt lõi bạn nên cho đề mục có cỡ chữ nhỏ hơn 1/2 lần, màu nhạt hơn và canh trái sao cho thẳng lề trái với thông điệp cốt lõi. Khi đó sự có mặt của đề mục nhỏ và nhạt hơn không làm lu mờ thông điệp cốt lõi. Thực hiện xong thủ thuật, tiêu đề và đề mục của slide sẽ tương tự như hình 4. Ta thấy đề mục “I. Thống kê doanh thu” nhỏ, nhạt hơn và nằm ngay trên tiêu đề “Doanh thu tăng đều từ năm 2008”.

Hình 4

Lấy câu tóm tắt nội dung chính của slide làm tiêu đề là nguyên tắc cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất trong việc áp dụng kỹ thuật trực quan, bởi vì tiêu đề là thành phần quan trọng nhất của một slide. Theo lẽ tự nhiên nó được khán giả nhìn vào trước khi nhìn tới các phần còn lại. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng tiêu đề để giúp khán giả sáng tỏ vấn đề ngay từ đầu, đồng thời chúng ta sẽ bớt vất vả khi diễn giải phần nội dung bên dưới tiêu đề?

Trong trường hợp slide không có nội chính chính yếu, bạn có thể không cần thiết phải áp dụng nguyên tắc này. Đó là những slide có nội dung đơn thuần mang tính chất liệt kê như: mục lục, khái niệm – định nghĩa, danh sách thành viên nhóm thuyết trình,…

2. SỬ DỤNG THỂ HIỆN TRỰC QUAN ĐỂ BIỂU THỊ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC ĐỐI TƯỢNG TRONG NỘI DUNG THUYẾT TRÌNH

Nghiên cứu cho thấy não bộ con người lưu trữ thông tin bằng cách kết cấu các đối tượng trong mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau. Bằng cách cho khán giả thấy được mối quan hệ và cách thức liên kết giữa các đối tượng thành phần trong nội dung thuyết trình, họ sẽ cảm thấy sáng tỏ và dễ dàng “hấp thụ” thông điệp mà bạn đang truyền tải. Thể hiện trực quan là cách tốt nhất để làm rõ nét mối quan hệ giữa các đối tượng. Để chuyển văn bản thành thể hiện trực quan, có 2 hình thức chính: chuyển văn bản thành diagram và chuyển văn bản thành hình ảnh ẩn dụ. Trực Quan sẽ có bài viết chi tiết về mỗi hình thức trong thời gian sắp tới. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể trình bày hết nội dung của các hình thức trên. Tuy nhiên, sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về chúng.

2.1. CHUYỂN VĂN BẢN THÀNH DIAGRAM

Bạn phải xác định trong nội dung của bạn có các đối tượng nào và mối quan hệ giữa chúng ra sao để làm cơ sở cho việc lựa chọn dạng diagram phù hợp như: quy trình tuyến tính, chu trình khép kín, sơ đồ phân nhánh hoặc nhiều dạng khác.

Nếu nội dung liệt kê tuần tự các bước trong một quy trình nào đó thì bạn nên chọn dạng diagram quy trình tuyến tính, vì nó biểu thị được mối quan hệ trình tự một chiều giữa các đối tượng bước. Quan sát hình 5, ta thấy slide 2 trình bày nội dung hiệu quả hơn. Các mũi tên trong diagram quy trình tuyến tính góp phần thể hiện rõ nét các bước trong quy trình SEO có mối quan hệ thứ tự trước sau theo một chiều nhất định, thay vì chúng chỉ được liệt kê theo từng gạch đầu dòng như slide 1.

Hình 5

Nếu quy trình lặp đi lặp lại và khép kín thành một vòng tròn thì dạng diaram chu trình khép kín rất thích hợp, vì nó biểu thị mối quan hệ trình tự giữa các đối tượng bước trong một vòng tuần hoàn. Hình 6 cho ta thấy diagram chu trình khép kín làm cho slide 2 dễ hiểu hơn slide 1 rất nhiều vì diagram có các mũi tên thể hiện mối quan hệ trình tự giữa các giai đoạn trong vòng đời con bướm đồng thời vẽ ra được vòng tròn khép kín để thể hiện sự tuần hoàn, trong khi slide 1 không cho ta thấy được vòng tròn này.

Hình 6

Nếu nội dung nói lên sự phân chia vai trò, có cấp bậc thì dạng diagram sơ đồ phân nhánh là một sự lựa chọn đúng, vì nó thể hiện mối quan hệ ngang hàng hoặc quan hệ cha con giữa các đối tượng nhánh. Trên hình 7, cách thể hiện sơ đồ tổ chức như slide 2 hoàn toàn hiệu quả hơn, nó cho ta thấy vai trò chuyên trách của từng phòng ban và phân biệt rạch ròi cấp cao cấp thấp, trong khi slide 1 khiến ta suy nghĩ nhiều mới thấy được điều này.

Hình 7

Chuyển văn bản thành diagram không khó. Quá trình này có công thức để thực hiện. Trực Quan sẽ trình bày về công thức chuyển văn bản thành diagram trong những bài viết sau này.

2.2. CHUYỂN VĂN BẢN THÀNH HÌNH ẢNH ẨN DỤ

Chuyển văn bản thành hình ảnh ẩn dụ là một quá trình phức tạp, đòi hỏi kỹ năng liên tưởng, tưởng tượng tốt và cần một chút óc quan sát thế giới xung quanh. Hình thức này vay mượn hình ảnh của sự vật, sự việc, hiện tượng từ thế giới tự nhiên cùng những quy luật khách quan của nó để phục vụ cho việc minh họa thông điệp cốt lõi một cách ẩn dụ.

Ví dụ, bạn có thể sử dụng hình ảnh chiếc cân tiểu ly để thể hiện sức khỏe quý hơn vàng như hình 8. Theo quy luật khách quan, đĩa cân bên nặng hơn sẽ thấp hơn bên kia, ta đặt sức khỏe lên đĩa thấp hơn và vàng bạc, tiền tài lên đĩa cao hơn để khéo léo chỉ ra một khẳng định rằng sức khỏe quý hơn vàng.

Hình 8

Hình 9 cho ta thêm một ví dụ nữa về hình ảnh ẩn dụ. Các mốc sự kiện trong lịch sử phát triển của công ty được ví von như là các giai đoạn chính trong quá trình sinh trưởng của thực vật. Từ khi công ty được thành lập cho tới khi đạt được nhiều danh hiệu là cả một quá trình lớn lên, trưởng thành tương tự như quá trình sinh trưởng từ hạt mầm nhỏ bé và sau trở thành cây trưởng thành cao lớn trong tự nhiên.

Hình 9

Một ví dụ khác nữa trên hình 10. Ta thấy một cách trình bày sáng tạo để nêu lên các biện pháp thu hút vốn của ngân hàng thương mại. Đặc tính của nâm châm là có thể hút các vật bằng kim loại. Lợi dụng đặc tính này, ta có thể xây dựng hình ảnh nam châm chữ U đang hút tiền để làm hiện thân cho các biện pháp thu hút tiền vốn.

Hình 10

Chuyển văn bản thành hình ảnh ẩn dụ là một hình thức thể hiện trực quan rất hay, đầy sáng tạo, giúp tăng sự sinh động cho slide, khán giả sẽ không bao giờ nhàm chán khi bạn dùng hình thức này, Trực Quan nhất định sẽ thực hiện bài viết đầy đủ hơn, chi tiết hơn về hình thức này và những ví dụ của nó trong thời gian tới.

3. KHI TRÌNH BÀY DỮ LIỆU BẰNG BIỂU ĐỒ, HÃY XỬ LÝ BIỂU ĐỒ SAO CHO CÀNG ĐƠN GIẢN CÀNG TỐT VÀ CHỈ THẲNG CON SỐ TRỌNG TÂM

Về bản chất, trình bày dữ liệu bằng biểu đồ cũng là một hình thức chuyển văn bản thành diagram. Biểu đồ là một trường hợp đặc biệt của diagram với nhiều đặc trưng riêng, phong phú và đa dạng về thể loại. Cách xử lý biểu đồ để khán giả hiểu dễ, hiểu nhanh cũng khá phức tạp, đòi hỏi sự sáng tạo và tính linh hoạt cao của người làm bài thuyết trình. Về cơ bản, tất cả các loại biểu đồ vẫn có thể áp dụng nguyên tắc này. Tuy nhiên, để đơn giản hóa vấn đề và tránh dài dòng, Trực Quan sẽ trình bày xoay quanh việc áp dụng nguyên tắc của kỹ thuật trực quan trên 3 loại biểu đồ thường dùng nhất, đó là biểu đồ cột, biểu đồ đường và biểu đồ bánh. Theo đó, những việc chính cần phải làm là:

  • • Sử dụng biểu đồ 2D thay cho biểu đồ 3D phức tạp
  • • Chọn loại biểu đồ dễ đối chiếu dữ liệu hơn
  • • Loại bỏ các yếu tố gây nhiễu
  • • Loại bỏ các yếu tố tham chiếu không cần thiết
  • • Làm nổi bật con số trọng tâm trong biểu đồ

3.1. SỬ DỤNG BIỂU ĐỒ 2D THAY CHO BIỂU ĐỒ 3D PHỨC TẠP

Chúng ta đều rất thích thú với sự bắt mắt của biểu đồ dạng 3D. Thế nhưng, nó có khi rất “hại não”. Biểu đồ 3D phức tạp làm cho khán giả của bạn phải lãng phí nhiều chất xám để suy nghĩ về chiều thứ 3 vô bổ, trong khi chỉ cần suy nghĩ về 2 chiều thôi họ đã đủ hiểu biểu đồ đang thể hiện điều gì. Trên hình 11, slide 1 có biểu đồ cột 3D trông hấp dẫn nhưng có vẻ hỗn tạp, gây khó hiểu vì các cột len lỏi vào nhau, khó phân biệt sự cao thấp giữa các cột. Còn biểu đồ đường 2D trên slide 2 trình bày dữ liệu rất thoáng, vừa nhìn vào là thấy ngay tình trạng thấp kém của doanh thu sản phẩm B.

Hình 11

3.2. CHỌN LOẠI BIỂU ĐỒ DỄ ĐỐI CHIẾU DỮ LIỆU HƠN

Đôi khi sử dụng biểu đồ dạng 2D chưa đủ để giảm bớt độ phức tạp của dữ liệu. Giải pháp cho vấn đề này có thể là thay đổi loại biểu đồ thể hiện. Không phải dữ liệu nào cũng chỉ được thể hiện bằng một loại biểu đồ duy nhất. Có những dữ liệu được thể hiện bằng nhiều loại biểu đồ khác nhau. Khi đó bạn nên lựa chọn biểu đồ dễ đối chiếu dữ liệu nhất trong số đó. Suy cho cùng, mục đích chuyển dữ liệu thành biểu đồ là để khán giả có cái nhìn trực quan hơn trong việc so sánh, đối chiếu các số liệu. Hãy lựa chọn loại biểu đồ sao cho thể hiện rõ rệt nhất sự chênh lệch cao thấp hoặc sự đi lên, đi xuống của số liệu. Ví dụ trên hình 12, thay vì sử dụng biểu đồ bánh như slide 1, chúng ta nên dùng biểu đồ thanh như slide 2. Các bánh trên slide 1 có diện tích gần như ngang ngửa nhau, làm cho ta khó nhận ra doanh thu sản phẩm nào là cao nhất. Còn biểu đồ thanh trên slide 2 rất dễ đối chiếu độ dài ngắn giữa các thanh, từ đó ta dễ dàng nhận ra doanh thu của sản phẩm A là cao nhất chỉ trong một cái liếc nhìn thôi.

Hình 12

3.3. LOẠI BỎ CÁC YẾU TỐ GÂY NHIỄU

Theo mặc định, biểu đồ được chèn vào slide sẽ có đầy đủ các thành phần như trục tung, trục hoành, các đường lưới ngang và dọc, chú thích, chuỗi số liệu,… Tuy nhiên, có những thành phần tạo ra yếu tố gây nhiễu, làm phân tán sức tập trung của khán giả. Muốn khán giả cảm thấy thoải mái và hiểu nhanh thông điệp của biểu đồ, bạn nên loại bỏ những yếu tố gây nhiễu này.

Chúng ta đi tìm một vài ví dụ của yếu tố gây nhiễu trên biểu đồ cột. Yếu tố gây nhiễu nhiều nhất là quá nhiều màu trong một biểu đồ. Cách tốt nhất là sử dụng không quá 4 màu để không làm rối mắt khán giả. Các đường lưới chằng chịt trên nền biểu đồ là một yếu tố gây nhiễu có thể khiến khán giả nhức mắt. Xóa bỏ các đường lưới này cũng là cách hạn chế bớt sự gây nhiễu. Các chữ và số quá to nằm dọc theo các trục cũng có thể gây nhiễu. Bạn hãy chỉnh kích cỡ của chúng nhỏ lại và màu của chúng nhạt hơn. Hình 13 cho ta thấy, biểu đồ trên slide 1 truyền tải nội dung kém hiệu quả hơn vì chưa được loại bỏ các yếu tố gây nhiễu. Slide 2 có biểu đồ ít màu, không có đường lưới, có chữ trên trục hoành nhỏ và nhạt do đó không còn gì gây phân tán sức tập trung của não, ta mặc nhiên hiểu được thông điệp cốt lõi mà không cần phải bận tâm suy nghĩ gì cả.

Hình 13

Ngoài biểu đồ cột, các loại biểu đồ khác cũng có các yếu tố gây nhiễu. Trực Quan sẽ trình bày đầy đủ hơn về chúng và cách loại bỏ chúng trong một bài viết khác.

3.4. LOẠI BỎ CÁC YẾU TỐ THAM CHIẾU KHÔNG CẦN THIẾT

Bên cạnh các yếu tố gây nhiễu, các yếu tố tham chiếu không cần thiết cũng có thể khiến khán giả mệt mỏi, chán nản. Khán giả của bạn phải không ngừng đưa mắt nhìn để tham chiếu dữ liệu với chú thích hoặc với số liệu trên trục. Lẽ ra không nên để khán giả mất nhiều thời gian và sức lực chỉ để nhìn liếc qua liếc lại.

Đối với biểu đồ bánh, việc đặt chú thích màu của từng bánh nằm rời ra khỏi biểu đồ làm cho khán giả không thể hiểu nhanh hơn vì mỗi lần đọc dữ liệu của một bánh nào đó là một lần tìm màu của bánh đó trong chú thích. Bạn hãy xóa chú thích và đặt tất cả thông tin liên quan của một bánh vào bên trong bánh đó, khán giả sẽ không phải phí sức tham chiếu chú thích, từ đó họ tiếp thu thông điệp của bạn trong khoảng 3 giây. Hình 14 là một ví dụ điển hình. Ở slide 1, để biết được bánh lớn nhất màu xanh là của sản phẩm nào, ta phải liếc mắt nhìn chú thích bên dưới tìm mục màu xanh và đọc nó. Ở slide 2, mắt ta không cần phải vất vả như vậy, chỉ cần nhìn vào bánh màu cam thôi ta vừa biết được nó là của sản phẩm A vừa biết được giá trị của nó là 40%.

Hình 14

Đối với biểu đồ cột, mỗi lần đọc dữ liệu của một cột nào đó, khán giả phải tham chiếu giữa độ cao của cột với vạch số liệu trên trục. Bạn có thể xóa luôn trục số liệu đó, thay vào đó bạn hãy đặt số liệu giá trị ngay tại đỉnh từng cột. Khán giả sẽ không còn phải liếc mắt qua lại để xác định giá trị của cột nữa, họ chỉ cần nhìn vào đỉnh cột thì đã đọc được giá trị của cột ngay lập tức. Hình 13 cũng là một ví dụ. Đối với slide 1, để đọc được giá trị của một cột ta phải tham chiếu độ cao của nó với trục tung bên trái. Tuy nhiên ta không cần phải làm như thế đối với biểu đồ trên slide 2 vì giá trị của cột được xác định ngay khi nhìn vào đỉnh cột.

Trực Quan sẽ viết chi tiết hơn về các yếu tố tham chiếu không cần thiết khác và cách xử lý chúng trong những bài viết sau này.

3.5. LÀM NỔI BẬT CON SỐ TRỌNG TÂM TRONG BIỂU ĐỒ

Sở dĩ bạn chèn biểu đồ vào slide là vì bạn muốn nhờ nó nói lên “câu chuyện” của bạn. Mọi “câu chuyện” đều có “nhân vật chính” của nó. Vì thế biểu đồ của bạn nên hiển thị rõ đâu là “nhân vật chính” của “câu chuyện”. Nếu bạn không làm điều này, biểu đồ sẽ trở nên vô tích sự. “Nhân vật chính” chính là con số trọng tâm trong biểu đồ. Con số trọng tâm thường được thể hiện như là giá trị cao nhất, giá trị thấp nhất hoặc một giá trị đặc biệt nào đó. Nó mang lại thông điệp cốt lõi, giúp dẫn dắt sự tập trung của khán giả vào đúng vấn đề trọng tâm mà bạn đang trình bày. Vì thế bạn cần làm cho con số trọng tâm nổi bật hơn các thành phần còn lại trong biểu đồ. Để làm nổi bật con số trọng tâm, bạn hãy thực hiện theo một trong 2 cách sau:

Cách 1: Chỉnh cho màu con số trọng tâm và bánh/cột/điểm của nó trở nên đậm hơn hoặc tương phản với tất cả các con số và bánh/cột/điểm còn lại, đồng thời kích cỡ của con số trọng tâm cũng nên lớn hơn các con số khác. Cách làm này cũng đã được minh họa trên slide 2 hình 13.

Cách 2: Tạo ra khung chữ có mũi tên trỏ vào con số trọng tâm và diễn đạt ngắn gọn trong khung chữ này. Hình 15 là một gợi ý cho cách làm này.

Hình 15

LỜI KẾT

Bạn đọc đến đây có nghĩa là bạn đã nắm được những kiến thức căn bản của kỹ thuật trực quan và chắc hẳn bắt đầu có niềm tin vào kỹ thuật này. Nếu bạn chọn kỹ thuật trực quan làm hướng đi cho mình trên con đường phát triển kỹ năng thuyết trình và làm bài thuyết trình thì đó là một sự lựa chọn đúng đắn và nó sẽ mang lại thành công cho bạn. Đây là kỹ thuật ưu việt nhất mà Trực Quan đã phát hiện ra trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ các chuyên gia trên thế giới. Nó không phải là lý thuyết suông mà hoàn toàn có cơ sở khoa học, được các chuyên gia phân tích, khảo sát, đánh giá kỹ càng. Dù bạn thực hiện bất kỳ phương pháp gì, hình thức gì, phong cách gì để làm bài thuyết trình thì nơi bắt đầu vẫn là ý tưởng làm slide. Kỹ thuật trực quan sẽ biến ý tưởng của bạn trở thành hình ảnh hiện hữu trên slide. Trực Quan kiếm sống bằng nghề thiết kế bài thuyết trình PowerPoint nên thấy được sự hiệu nghiệm của kỹ thuật trực quan hơn ai hết. Kỹ thuật trực quan nên được áp dụng và giảng dạy trong các trường học vì nó có thể tối ưu não bộ, phát huy sức sáng tạo, khả năng tiềm ẩn của người học. Không những thế, kỹ thuật này có thể là vũ khí lợi hại của các nhà kinh doanh trong việc thuyết phục đối tác và đào tạo khách hàng, từ đó chiếm lĩnh được thị trường và nâng tầm giá trị công ty.

Để thiết kế một bài thuyết trình “trực quan” bạn phải mất 6 năm.

Để thiết kế một bài thuyết trình “đẹp” bạn phải mất 3 năm.

Để trình bày một bài thuyết trình bạn chỉ mất vài chục phút.

Chính vì lý do đó, Trực Quan tình nguyện mở dịch vụ tư vấn về bài thuyết trình của bạn hoàn toàn miễn phí để góp phần tiết kiệm 9 năm của bạn (6 năm cho một bài thuyết trình “trực quan” và 3 năm cho một bài thuyết trình “đẹp”). Từ đó bạn chỉ cần tập trung chuẩn bị cho vài chục phút trình bày bài thuyết trình trước khán giả và sau đó... nhận được lời khen từ họ. Trước giờ trình chiếu, bạn hãy gửi bài thuyết trình qua địa chỉ mail nguyentoquocthai@gmail.com và Trực Quan sẽ đưa ra những góp ý, những lời khuyên có giá trị để giúp bạn biết cách làm cho bài thuyết trình trở nên đẹp, chuyên nghiệp, sáng tạo theo đúng tinh thần của kỹ thuật trực quan. Ngoài ra bạn có thể truy cập link www.facebook.com/slidetrucquan và like trang fanpage để kịp thời theo dõi cập nhật các bài viết, bài giảng hữu ích của Trực Quan.

Chân thành cảm ơn bạn đã quan tâm và đọc hết bài viết này!

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt cho bài thuyết trình của mình.

Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp của bạn nhé!

Bấm vào nút SHARE để chia sẻ lên Facebook:

Ủng hộ Trực Quan đăng thêm nhiều mẫu slide PowerPoint đẹp nữa, bấm Like hoặc G+1 nhé

Tham gia bình luận

Trực Quan

{facebook#https://www.facebook.com/slidetrucquan} {google-plus#https://plus.google.com/+SlidetrucquanBlogspot102} {youtube#https://www.youtube.com/channel/UCNmBJWM57h68Ta6MxeYKd1g}

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget